Trong quá trình kinh doanh,là một chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên đôi lúc cũng phải đưa ra quyết định việc thay đổi vốn điều lệ trong công ty. Việc thay đổi vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên là việc tăng vốn hoặc giảm vốn điều lệ so với ban đầu đã đăng ký. Trình tự, thủ tục để thay đổi vốn điều lệ phải được thực hiện như thế nào? Sau đây, Viecoi sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề này rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé.
VỐN ĐIỀU LỆ LÀ GÌ?
1. Thay Đổi Vốn Điều Lệ Bằng Việc Tăng Vốn Điều Lệ
Công ty TNHH một thành viên sẽ tăng vốn điều lệ bằng việc chủ sở hữu công ty đầu tư thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp từ những người khác. Chủ sở hữu sẽ là người quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
1.1. Trường Hợp Chủ Sở Hữu Công Ty Tự Tăng Vốn Đầu Tư
Tự tăng vốn là một cách để tăng vốn điều lệ hữu hiệu, chủ sở hữu công ty có thể bảo vệ công ty của mình khỏi những ý định thâu tóm doanh nghiệp của các công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên khác. Khi thực hiện tăng vốn điều lệ bằng cách tự bỏ thêm vốn đầu tư chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên sẽ thực hiện việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ cho công ty.
Hồ sơ tự tăng vốn bao gồm:
- Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký của doanh nghiệp.
- Quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp về việc tăng vốn điều lệ. Trong đó ghi rõ số vốn tăng thêm, hình thức, thời điểm tăng vốn.
- Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và giấy tờ chứng thực cá nhân của người đến nộp hồ sơ.
Thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ:
Doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ bản mềm đến cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Người đi nộp hồ sơ có thể là Chủ sở hữu công ty, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền đi nộp hồ sơ. Sau khoảng 03 ngày làm việc sẽ nhận được thông báo của cơ quan Nhà nước. Sau khi nhận được thông báo hợp lệ, người nộp hồ sơ sẽ nộp hồ sơ bản cứng tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt địa chỉ trụ sở chính. Chuyên viên phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra hồ sơ và viết giấy biên nhận. Trong khoảng 05 ngày làm việc, Phòng đăng ký giải quyết hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Người đi nộp hồ sơ sẽ theo biên nhận đến nhận kết quả.
Lưu ý: Sau khi tăng vốn điều lệ, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục công bố thông tin trên cổng doanh nghiệp quốc gia. Nếu tăng vốn điều lệ làm thay đổi số thuế môn bài phải nộp của năm tiếp theo thì chủ sở hữu công ty phải nộp hồ sơ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo. Thời hạn khai thuế chậm nhất là ngày 31/12 của năm có sự thay đổi, sau đó phòng kế toán sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu vốn trên hồ sơ kế toán của doanh nghiệp
1.2. Trường Hợp Tăng Vốn Điều Lệ Bằng Việc Huy Động Thêm Vốn Từ Người Khác
Người góp thêm vốn cho doanh nghiệp có thể là tổ chức hay cá nhân. Khi huy động vốn góp từ người khác thì công ty sẽ phải chuyển đổi loại hình của doanh nghiệp của mình. Công ty nên khắc dấu mới và làm thông báo thay đổi mẫu dấu trên Cổng thông tin đăng ký quốc gia. Sau đó công ty phải tổ chức quản lý theo một trong hai loại hình sau đây:
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Lúc này công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ của mình;
- Công ty cổ phần (theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020).
2. Thay Đổi Vốn Điều Lệ Bằng Việc Giảm Vốn Điều Lệ
2.1. Các Trường Hợp Phải Làm Thủ Tục Giảm Vốn Điều Lệ
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ phải giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp doanh nghiệp hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty:
Trường hợp giảm vốn điều lệ này chỉ được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm kể từ ngày tiến hành đăng ký doanh nghiệp và phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu. Việc thanh toán các khoản nợ sẽ dựa vào báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất. Chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, công ty TNHH một thành viên mới được hoàn trả một phần vốn góp đã đăng ký.
- Trường hợp vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện thanh toán số vốn đã cam kết góp. Sau khi hết thời hạn trên, chủ sở hữu công ty góp không đủ thì công ty sẽ phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ, chủ sở hữu phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực tế đã góp.
2.2. Hồ Sơ Giảm Vốn Điều Lệ
Hồ sơ cần chuẩn bị sẽ bao gồm có :
- Thông báo giảm vốn điều lệ đến phòng đăng ký kinh doanh, nơi công ty đã đăng ký kinh doanh;
- Văn bản Quyết định việc giảm vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên;
- Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ của công ty;
- Cam kết về việc đảm bảo đủ vốn và tài sản để thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp;
- Văn bản ủy quyền và giấy tờ cá nhân người được ủy quyền *bản sao chứng thực).
2.3. Thủ Tục Đăng Ký Giảm Vốn Điều Lệ
Đầu tiên công ty nộp hồ sơ bản mềm lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Người nộp hồ sơ có thể là chủ sở hữu công ty, người đại diện theo pháp luật hay người được ủy quyền nộp hồ sơ. Thời gian nhận thông báo là sau 03 ngày làm việc.
Sau khi nhận thông báo hợp lệ, phải nộp hồ sơ bản cứng đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và viết giấy biên nhận.
Cuối cùng phòng đăng ký kinh doanh xử lý giải quyết hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Người nộp hồ sơ sẽ đến nhận kết quả theo lịch hẹn ghi trên giấy biên nhận.
Lưu ý: Sau khi tiến hành giảm vốn điều lệ, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục công bố thông tin thay đổi trên Cổng thông tin quốc gia. Việc thay đổi vốn làm thay đổi bậc thuế môn bài thì công ty sẽ phải thực hiện kê khai lại tờ khai thuế môn bài để nộp đến cho cơ quan thuế.
Trên đây là hướng dẫn về việc thay đổi vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên mà Viecoi đưa ra. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về việc thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo thêm những hướng dẫn bổ ích khác tại Viecoi nhé.